‘The Grand Budapest Hotel’ – bữa tiệc điện ảnh rực màu sắc
Phim lấy bối cảnh đâu đó trên đất nước hư cấu mang tên Zubrowka thuộc miền Đông Âu xa xôi, có một dãy núi mang tên Alpine Sudetenwaltz. Phía dưới chân núi là thị trấn Nebelsbad xinh đẹp, nằm bình lặng bên những rừng thông. Phía trên đỉnh núi sừng sững một tòa kiến trúc cổ kính, với mái ngói xanh ngọc và những bức tường màu hồng nhạt. Khách sạn Grand Budapest “một thời lừng danh, chu đáo và đẹp như tranh vẽ”.
Lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn Áo – Stefan Zweig, đạo diễn Wes Anderson tiếp tục tạo nên một bộ phim đậm chất tiểu thuyết, khai thác những chủ đề và thể loại chưa từng xuất hiện trong phong cách làm phim của mình. The Grand Budapest Hotel đúng như tên gọi, thực sự là một tác phẩm “lớn” trong sự nghiệp làm phim của vị đạo diễn này.
Nhưng thay vì đi thẳng vào câu chuyện như thường lệ, vị đạo diễn chủ động kể lại bằng thủ pháp “chuyện trong chuyện”. Không chỉ một, mà có đến ba câu chuyện được lồng vào nhau, như một tòa khách sạn nhiều tầng. Tương ứng với mỗi “tầng” lại là một khung hình khác biệt, đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định diễn ra trong phim.Nếu chỉ quan sát bên ngoài, dễ nhận thấy The Grand Budapest Hotel đúng nghĩa là một bộ phim đóng mác Wes Anderson: ngập tràn những khung hình chi tiết, giàu màu sắc; tính cách nhân vật được xây dựng rõ ràng, riêng biệt; mạch phim tuân theo kết cấu chương hồi quen thuộc và luôn rộn rã tiếng cười.
Từ tầng đầu tiên, Wes Anderson đưa người xem đến với nước Cộng hòa Zubrowka giả tưởng. Trên con đường phủ đầy tuyết trắng, một cô bé đang rảo bước đến thăm tượng đài một nhà văn không tên, được xưng tụng là “báu vật quốc gia”. Như một điều đã trở thành thông lệ, cô rút trong túi áo khoác một chiếc chìa khóa rồi treo lên tượng, bên cạnh rất nhiều những chiếc sẵn có khác, sau đó lật cuốn tiểu thuyết của ông ra đọc.
Cảnh quay tiếp theo đưa người xem trở về năm 1985, khi nhà văn vĩ đại ấy còn đủ khỏe mạnh để kể lại câu chuyện của mình. Khung hình giảm từ tỷ lệ 1:85 xuống 1:80 để biểu thị sự thay đổi về thời gian, rồi tiếp tục chuyển sang 4:3 và dừng lại ở 2:35:1, cũng là lúc câu chuyện của nhà văn bắt đầu.
Chuyện kể rằng khi còn trẻ, trong một lần ghé chân tại khách sạn Grand Budapest, ông tình cờ gặp gỡ và làm quen với quý ngài Zero Moustafa – ông chủ của khách sạn, từng là người giàu nhất xứ Zubrowka một thời. Vốn sẵn lòng hâm mộ các tác phẩm của nhà văn, ngài Moustafa ngỏ lời mời ăn tối và đồng ý sẽ kể lại câu chuyện của mình cho anh nghe.
Từ đây, vị trí của người kể chuyện được hoán đổi, thời gian tiếp tục lùi về năm 1932, khi chiến trận vẫn còn nổ ra ở Zubrowka, khách sạn Grand Budapest đang ở thời kỳ đỉnh cao và cậu bé Zero Moustafa vừa đến nhận việc với vị trí là một lobby boy. Mặc dù phần lớn câu chuyện kể lại khoảng thời gian làm việc của Zero ở Grand Budapest, vị trí trung tâm lại thuộc về người quản lý tiền nhiệm của khách sạn, ngài Gustave.
Thay đổi phong cách có lẽ là điều không tưởng đối với Wes Anderson, một người cực đoan từ việc đặt máy quay cho đến cách dựng hình. Thế nhưng với The Grand Budapest Hotel, khác biệt lớn nhất trong cách kể chuyện của ông là việc cắt giảm không gian khung hình. Toàn bộ câu chuyện của Zero, cũng là nội dung chính của bộ phim, được quay ở chế độ 4:3 – tỷ lệ chuẩn mực của các bộ phim câm trắng đen thời xưa. Cách thiết lập này tạo cảm giác hoài cổ đúng với thời điểm xảy ra câu chuyện, đồng thời cho phép đạo diễn phô bày thẩm mỹ tinh xảo của mình một cách trọn vẹn.
Lồng giữa khung hình cổ điển là những mảng màu sống động, rực rỡ như một sự giao thoa giữa mới và cũ. Phần lớn thời lượng phim được quay ở Görlitz, một thị trấn nhỏ tọa lạc ở nước Đức, mang đậm vẻ đẹp châu Âu thời xưa với những tòa kiến trúc cổ kính và tuyết phủ trắng xóa hai bên mặt đường. Trên cái nền đó, sự tỉ mỉ của Wes thể hiện trong cách sắp xếp, bài trí bối cảnh, từ các món ăn được đặt trên bàn, phục trang và tạo hình của nhân vật, cho đến những bài báo, văn bản, tài liệu… được soạn cẩn thận, chăm chút như thật.Ống kính luôn được đặt ở trạng thái cố định với trục đối xứng ở vị trí trung tâm. Cách di chuyển máy quay cũng tuân theo quỹ đạo vòng xoay 90 độ, 180 độ; hoặc chạy song song với chuyển động của nhân vật, hoặc dựng ngược vuông góc với mặt đất; phóng to, thu nhỏ chính xác đến từng milimét.
Phần âm nhạc do Alexandre Desplat biên soạn cũng chỉn chu với tổng cộng 32 bài, ứng với từng trường đoạn diễn ra trong phim là một nhịp điệu riêng biệt. Tất cả khiến cho mỗi thước phim của The Grand Budapest Hotelhiện lên vừa huyền ảo lại vừa gần gũi, như một trang sách ảnh thiếu nhi, hay là một câu chuyện cổ tích Andersen bước ra từ màn ảnh rộng.
Không chỉ cân xứng bố cục, cách tuyển chọn diễn viên cũng tuân theo nguyên tắc phân đều với 18 nhân vật chính phụ khác nhau. Bên cạnh những cái tên quen thuộc gắn liền với các bộ phim trước của Wes (Bill Murray, Owen Wilson, Jason Schwartzman) là những gương mặt mới lần đầu hợp tác (Saoirse Ronan, Léa Seydoux, Jude Law), không ít người xuất hiện chớp nhoáng trong phim như những vị khách vãng lai tiện chân ghé thăm khách sạn do Wes kiến tạo. Hai nhân vật chính cũng là sự sóng đôi giữa một Ralph Fiennes dày dạn kinh nghiệm, trong vai quý ngài Gustave, và một Tony Revolori vẫn còn lạ mặt đối với khán giả điện ảnh, nhưng đã nhập vai cậu bé Zero không hề lép vế trước dàn diễn viên ngôi sao.
Yếu tố gia đình trở thành đường dây quan trọng kết nối các nhân vật chính ở các tác phẩm trước (The Royal Tenenbaums, The Darjeeling Limited), nay đã không còn trong The Grand Budapest Hotel. Cả Zero lẫn Gustave đều không có xuất thân rõ ràng. Nhân vật Gustave được mô tả như là một gã Don Juan tuổi trung niên, thường xuyên tán tỉnh và qua lại với những quý bà tóc vàng giàu có, già nua và thiếu thốn tình cảm. Chỉ tiêu lựa chọn phụ nữ cho thấy Gustave cũng là một người sống rất nguyên tắc, thế mà lại đồng ý “phá lệ” để cho Zero – một cậu bé không gia đình, không người thân và theo ông cũng không có học vấn hay bất kỳ kinh nghiệm gì – vào làm việc cho khách sạn.
Hình ảnh Gustave cũng chính là ẩn dụ thú vị mà Wes Anderson dành cho chính mình khi liên tục phá vỡ những nguyên tắc anh tự đặt ra bấy lâu nay.The Grand Budapest Hotel đi theo nhịp điệu hài hước đặc trưng, nhưng ngòi nổ của bộ phim lại bắt đầu bằng một sự kiện sặc mùi tội ác, phảng phất không khí trinh thám – thể loại chưa từng xuất hiện trong các tác phẩm của Wes.
Nguyên tắc đối xứng cũng được ông áp dụng triệt để trong cách xây dựng kịch bản. Nếu như trong các tác phẩm trước, nhân vật của Wes hoặc kỳ quặc hoặc tinh quái, kẻ xấu nếu có cũng chỉ đóng vai trò phụ họa, thì The Grand Budapest Hotel phân định hai tuyến thiện ác rõ rệt. Adrien Brody vào vai con trai của bà Madame D., cùng tay sai của mình ra sức tìm cách hãm hại Gustave, hòng đoạt được gia tài của mẹ. Tất cả sự kiện của Zero và Gustave được chia làm bốn phần đều đặn, lồng giữa hai cuộc chiến nổ ra ở Zubrowka. Thủ pháp “chuyện trong chuyện” giúp bộ phim đối xứng trước sau vừa vặn, đóng mở rõ ràng.Cái chết đường đột của quý bà Madame D. (Tilda Swinton đóng), một trong số rất nhiều nhân tình của Gustave, trở thành cái cớ để ông và Zero tạm rời xa Grand Budapest, cùng nhau bước vào một chuyến phiêu lưu mới. Wes còn pha trộn tình cảm mùi mẫn (giữa Zero và Agatha) và tái hiện ba cảnh hành động kinh điển của Hollywood (cảnh vượt ngục, cảnh trượt tuyết và cảnh bắn súng), theo phong cách riêng biệt vốn có.
Sau hàng loạt tràng cười giòn giã, Wes kết phim bằng chút gia vị của nỗi buồn, như để cân bằng cảm xúc người xem. “Nước tự do Zubrowka chính thức không còn tồn tại”, hình ảnh khách sạn Grand Budapest thời hoàng kim giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng của nhà văn trẻ. Trước mặt anh bây giờ là đại sảnh không một bóng người, dưới ánh đèn lờ mờ càng toát lên vẻ buồn bã và cô đơn đến đáng sợ. Thế giới ấy chưa chắc đã tồn tại, có khi “đã biến mất từ lâu trước lúc ông ấy đặt chân vào”, theo lời Zero Moustafa chia sẻ. Nhưng để thưởng thức cái đẹp cũ kỹ say đắm lòng người, đôi khi cũng cần phải có một óc tưởng tượng bay bổng, như Wes Anderson và Gustave.
Nguồn : Vnexpress